Chiều 12-5, trong khuôn khổ Festival Biển 2019, Lễ hội Cầu Ngư đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa tái hiện lại tại khu vực công viên bờ biển Nha Trang (đoạn đối diện đường Tuệ Tĩnh, TP. Nha Trang).
Đoàn rước tái hiện Lễ hội Cầu Ngư.
Lễ hội có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân và người dân phường Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường - TP. Nha Trang. Đoàn rước của 2 phường chia thành hai nhánh, dẫn đầu mỗi đoàn là mô hình chiếc tàu cá và các ngư dân với mái chèo, tiếp theo là kiệu rước bàn thờ Ông Nam Hải, đội bá trạo, các nghệ nhân mặc áo dài khăn đóng, đội lân sư rồng, đội phụ nữ trong trang phục áo dài, đội múa hoa đăng và các em học sinh cầm cờ…. Hai đoàn rước diễu hành trên đường Trần Phú và gặp nhau tại sân khấu chính mô phỏng hình dáng lăng Ông Nam Hải. Tại đây, các đoàn rước đã thực hiện nghi lễ: Lễ tế chánh, hò bá trạo, múa lục cúng hoa đăng, múa siêu, múa lân sư rồng… Lễ hội đã thu hút sự quan tâm đông đảo người dân và du khách.
.JPG)
Đội múa hoa đăng.
Hò Bá trạo – một trong những nghi lễ truyền thống của Lễ hội Cầu Ngư.
Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải (Cá Voi) - là tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Bắc miền Trung trở vào Nam, trong đó tiêu biểu là vùng Nam Trung Bộ và điển hình nhất là ở Khánh Hòa. Lễ hội thường được tổ chức vào mùa Xuân, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với công đức của cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn… Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điểm khác biệt của Lễ hội Cầu Ngư ở Khánh Hòa là 48 đình, làng biển đều tổ chức lễ cầu Ngư; Lễ hội còn bảo lưu các nghi thức truyền thống với các nghi lễ: Lễ rước sắc, Lễ Nghinh Ông, hò bá trạo, Lễ Tỉnh sanh, Lễ Tế chánh, Thứ lễ và Tôn vương, Lễ Tống na.
Tin và ảnh: THANH HIỀN